Thương mại điện tử

Thời điểm bùng nổ thương mại điện tử đã đến

25/07/2014

Mua sắm trực tuyến được ưa chuộng bởi đơn giản và tiện lợi hơn hẳn cách mua sắm truyền thống, chỉ cần lên mạng và đảo mắt qua các kênh mua hàng quen thuộc, thấy món nào đẹp thì “click” chuột là có người giao hàng đến tận nơi.

CôngThương - Xu thế tất yếu

Báo cáo mới nhất của eMarketer (Mỹ) cho thấy dịch vụ internet ở Việt Nam đang phát triển chóng mặt, một phần lớn là nhờ sự sôi động của thị trường điện thoại và cơ sở hạ tầng được đầu tư đúng mức. Tính đến tháng 12/2013, Việt Nam có khoảng 5,3 triệu thuê bao internet, đạt tỷ lệ thâm nhập là 35,6%; và 121,7 triệu thuê bao di động, trong đó 30% là smartphone.

Báo cáo “Thương mại điện tử Việt Nam năm 2013” công bố hồi tháng 4/2014 của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) cho thấy, doanh số TMĐT tại Việt Nam năm 2013 đạt 2,2 tỷ USD và dự báo sẽ đạt trên dưới 4 tỷ USD vào năm 2015. Hình thức mua sắm trực tuyến của người dân Việt Nam chủ yếu thông qua các website bán hàng và dịch vụ (61%), website mua hàng theo nhóm (51%) và diễn đàn mạng xã hội (45%).

Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) cũng đưa ra con số thống kê khá khả quan cho thấy năm 2013 các loại hình giao dịch trực tuyến B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp) và B2C (doanh nghiệp đến người tiêu dùng). Mức độ và hiệu quả sử dụng e-mail của các DN đều có bước tiến so với năm 2012 với 83% DN đã sử dụng e-mail để nhận đơn đặt hàng. Tỷ lệ này của năm 2012 là 70%.

Trên thị trường đã có các thương hiệu chuyên nghiệp như lazada.vn, chodientu.vn, vatgia.com, 123mua.vn, senco.vn... với mức tăng trưởng khá cao. Với tốc độ phát triển cao cộng thì việc các nhà bán lẻ đầu tư mạnh cho thương mại điện tử là xu hướng tất yếu.

Nắm bắt cơ hội

Bán hàng trên mạng hiện nay không chỉ diễn ra ở các công ty chuyên lĩnh vực này mà còn phát triển mạnh mẽ trong các kênh bán lẻ. Các nhà bán lẻ hàng đầu như Nguyễn Kim, Thiên Hòa, Thế Giới Di Động, Co.opmart, Big C...  đều có chiến dịch phát triển doanh số từ kênh bán hàng trực tuyến này.

Giữa tháng 4/2014 vừa qua, trang bán hàng trực tuyến Cdiscount.vn của Big C Việt Nam đã đi vào hoạt động. Với sự đa dạng hàng hóa, giá hấp dẫn và dịch vụ tốt, Cdiscount.vn kinh doanh 7.000 sản phẩm ở các ngành hàng khác nhau gồm: công nghệ, nhà cửa và đời sống, sắc đẹp và sức khỏe, mẹ và bé. Người tiêu dùng có thể lựa chọn sản phẩm theo nhu cầu và được giao hàng tận nơi với hình thức thanh toán trực tuyến khi nhận hàng hoặc trả tiền bằng thẻ thanh toán. Dự kiến đến cuối năm 2014 Cdiscount.vn sẽ tăng từ 7.000 lên 25.000 sản phẩm.

Trước Cdiscount.vn, Tập đoàn VinGroup cũng đầu tư gần 750 tỷ đồng để thành lập Công ty TNHH VinE- Com chuyên về thương mại điện tử với tham vọng xây dựng một cổng thương mại điện tử lớn như Alibaba, Taobao... VinE-Co sẽ tạo ra kênh bán lẻ trực tuyến cho tất cả các sản phẩm, dịch vụ không chỉ của tập đoàn mà còn của các đối tác là những khách hàng đang thuê diện tích trong trung tâm thương mại của Vingroup và cả khách hàng bên ngoài.

Ngoài mô hình kinh doanh truyền thống, một chiến lược cạnh tranh khác mà Thế Giới Di Động đang hướng tới là khai khác mảng kinh doanh trực tuyến. Thegioididong.com hiện là website bán lẻ phổ biến nhất tại Việt Nam thu hút khoảng 350.00 lượt truy cập mỗi ngày. Hãng bán lẻ này cũng đặt mục tiêu tăng hơn gấp 3 lần doanh thu bán hàng trực tuyến trong tổng số doanh thu, từ 4,6% năm 2013 lên khoảng 15% trong 2017 bằng chiến lược có tên “30 phút”: sau khi đặt hàng trực tuyến, người mua sẽ nhận được hàng trong vòng 30 phút.

Mới đây nhất, FPT cũng hoàn tất thương vụ mua lại website 123mua của VNG. 123mua sẽ được quản lý bởi sendo.vn, một sàn giao dịch thương mại của FPT. Việc mua lại 123mua cũng chính là lời cam kết lâu dài của FPT với thương mại điện tử Việt Nam.

Có thể thấy thời điểm bùng nổ thương mại điện tử tại Việt Nam đã đến, điều này sẽ thúc đẩy ngành TMĐT phát triển với tốc độ nhanh. Song song đó, người tiêu dùng cũng phải tinh tế hơn trong việc chọn lựa nhà cung cấp hàng đầu để đảm bảo quyền lợi trong mua sắm online vốn cũng không ít điều tiếng.

Nguồn: Báo Công Thương

Tìm kiếm

Tìm

Quảng cáo