Xây dựng - Giao thông - Môi trường

Tảo biển giúp khắc phục biến đổi khí hậu

22/09/2014
Nghiên cứu mới được công bố ngày 14/9/2014 cho thấy tảo biển có thể phát triển đủ nhanh để ứng phó với biến đổi khí hậu, đó là dấu hiệu cho thấy một số loài sống trong đại dương có khả năng chống chịu được với sự gia tăng axit hóa và nhiệt độ.
Tảo biển giúp khắc phục biến đổi khí hậu

Kết quả công trình nghiên cứu do các nhà khoa học tại Đức tiến hành, được công bố trên Tạp chí Nature Climate Change cho thấy: "Các quá trình tiến hóa cần được cân nhắc khi dự báo về những tác động của sự ấm lên và sự axit hóa đại dương đến thực vật phù du".

Thorsten Reusch, thuộc Trung tâm nghiên cứu Geomar Helmholtz tại Kiel, tác giả của công trình nghiên cứu cảnh báo rằng, những phát hiện này chỉ liên quan đến một loài tảo được thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, trong một môi trường nước không có động vật ăn mồi hay bệnh tật. Ông cho biết đó không phải là lập luận cho rằng sự nóng lên toàn cầu là ít nghiêm trọng hơn so với dự kiến. Các sinh vật sống lâu hơn, từ cá đến động vật có vỏ, sẽ không thể tiến hóa theo cách của chúng mà không gặp khó khăn.

Một nhóm các nhà khoa học thuộc Liên Hợp Quốc đã từng phát biểu rằng khí nhà kính do các hoạt động của con người phát thải vào khí quyển đang làm cho hành tinh ấm lên. Và đioxit cacbon sẽ chuyển hóa thành axit yếu khi hòa tan trong nước, từ từ dẫn đến axit hóa đại dương.

Năm ngoái, một nghiên cứu của 540 chuyên gia đã chỉ ra rằng quá trình axit hóa là một cơn bão thầm lặng trong các đại dương và gây đe dọa sự sống của các loài, từ các rạn san hô đến nguồn cá. Nghiên cứu này cho thấy đại dương có thể trở nên có tính axit cao hơn 170% vào năm 2100 so với mức trước Cách mạng công nghiệp.
 
Nghiên cứu cho thấy tảo, được lấy từ môi trường nước nhiệt độ 15oC (59 độ F) ngoài khơi Na Uy, có xu hướng phát triển đến một độ lớn nhỏ hơn ở nhiệt độ cao hơn trong các thí nghiệm kéo dài hơn một năm, nhưng cũng có thể tăng trưởng nhanh hơn và tạo ra một khối lượng tổng thể lớn hơn.

Theo một số nhà khoa học cho biết, đã có bằng chứng cho thấy một số rạn san hô hay loài nhím biển có thể có khả năng chống chịu hơn so với dự kiến trước những biến đổi đại dương. Điều còn chưa được làm rõ là các cơ chế này sẽ kéo dài được bao lâu và liệu chúng có giúp ích được cho việc giải quyết vấn đề khí hậu trong tương lai hay không, bởi vì khí hậu đang thay đổi quá nhanh.

Nhóm các nhà khoa học thuộc Liên Hợp Quốc cho rằng xác suất xảy ra có thể đến 95% rằng lượng phát xạ khí nhà kính do con người tạo ra là nguyên nhân chính dẫn đến sự nóng lên toàn cầu kể từ năm 1950, gây ra nhiều đợt sóng nhiệt, hạn hán hơn và mực nước biển dâng cao hơn.

Tuy nhiên các cuộc thăm dò dư luận cho thấy nhiều ý kiến cho rằng chính những biến đổi tự nhiên là nguyên nhân. Sự bất đồng quan điểm giữa các nhà khoa học và quan điểm công chúng sẽ gây phức tạp cho kế hoạch của gần 200 chính phủ trong một thỏa thuận nhằm hạn chế sự ấm lên toàn cầu tại một hội nghị thượng đỉnh vào cuối năm 2015 tại Paris.
Nguồn: VISTA

Tìm kiếm

Tìm

Quảng cáo