Y dược

Cảm biến sinh học đo nồng độ đường trong máu không xâm lấn

18/09/2012

Thay vì lấy mẫu là máu của người bệnh, thiết bị cảm biến sinh học này có thể đo nồng độ đường liên tục bằng cách sử dụng các chất lỏng khác như nước mắt hay mồ hôi. Các máy cảm biến kiểu này không phải là mới, nhưng chúng quá to, thiếu chính xác và tiêu tốn năng lượng. Máy cảm biến sinh học mới bao gồm một chip đo có kích thước 0,5 x 2 mm và tiêu tốn chưa đến 100 µA tại 5V.
 
Chíp nằm trong thiết bị tích hợp một ổn áp kích thước nano dùng để đo nồng độ hydrogen peroxit (H2O2) và các chất hoá học khác được tạo thành từ phản ứng xảy ra với sự trợ giúp của enzyme gluco oxidaza.
 
Thiết bị cảm biến sinh học sử dụng nồng độ của các chất hoá học này để tính toán nồng độ gluco của bệnh nhân. Ngoài ra một công cụ chuyển đổi kỹ thuật số cũng được tích hợp vào chip của thiết bị giúp chuyển các tín hiệu điện hoá thành dữ liệu số, và một máy phát có thể gửi dữ liệu theo đường không dây sang thiết bị di động.
 
Điều này cho phép bệnh nhân có thể theo dõi lượng đường trong máu của họ bằng cách sử dụng thiết bị liên tục, vì thiết bị yêu cầu năng lượng thấp nên người bệnh có thể mang nó trong nhiều tuần hay nhiều tháng. Ngoài ra, thiết bị còn có thể được cung cấp năng lượng bằng sóng vô tuyến.
 
Tương tự như các loại kính áp tròng điện tử do Đại học Washington và Microsof Research tạo ra, thiết bị cảm biến sinh học nhỏ bé này có thể được đặt gần mắt và truyền dữ liệu không dây tới một máy bơm insulin nhỏ cấy vào người bệnh, máy này sẽ tự động điều chỉnh lượng insulin chính xác cần thiết đưa vào cơ thể bệnh nhân.
 
Quan trọng hơn, thiết bị cảm biến sinh học này có hiệu quả chi phí để sản xuất và thích hợp với sản xuất hàng loạt.

NASATI (H.N.M - Theo Gizmag, 9/2012)

Tìm kiếm

Tìm

Quảng cáo