Y dược

Giải pháp an toàn cho bệnh đau mắt đỏ

17/09/2012
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh đau mắt đỏ, có thể là do nhiễm các loại virus, vi khuẩn, cũng có thể do các tác nhân hóa lý có hại hoặc do dị ứng với thuốc, các loại côn trùng, thời tiết... gây ra. Nhưng nguyên nhân chính khiến bệnh đau mắt đỏ phát triển thành dịch thì chủ yếu là do virus adeno lây qua đường tiếp xúc, đường hô hấp. Virus này có nhiều trong nước mắt và dử mắt người bệnh nên chỉ cần vô ý dùng tay dụi mắt, rồi quên không rửa xà phòng lại tiếp tục sờ mó vào các vật dụng để trong nhà là có thể lây bệnh cho người khác.


Rất dễ để nhận biết các triệu chứng của bệnh đau mắt đỏ. Triệu chứng chính là thấy mắt cộm, ngứa, có cảm giác như trong mắt có nhiều cát, mắt đỏ, chảy nước mắt và kèm theo nhiều dử, tiết tố. Đôi khi ngủ dậy, dử mắt làm cho hai mi dính chặt lại nên bệnh nhân rất khó mở mắt. Bệnh hay bắt đầu từ một mắt, sau đó vài ba ngày đến mắt thứ hai... Trường hợp bị nặng, bệnh nhân có thể có sốt nhẹ, có sưng hạch góc hàm hoặc hạch sau tai, họng đỏ, amidan sưng to.
Điểm đến an toàn
Theo bác sỹ Đông, trên thực tế, bệnh đau mắt đỏ là do virus gây ra, mà các bệnh do virus gây ra thì gần như không có thuốc đặc hiệu, đặc trị cho bệnh. Điều trị chính ở đây là điều trị triệu chứng; Dùng các thuốc tác động hỗ trợ đối với từng triệu chứng, đồng thời, tránh các nhiễm trùng phối hợp, bội nhiễm. Như vậy, bệnh nhân sẽ bớt khó chịu và rút ngắn được thời gian trị bệnh. Khi có các triệu chứng đau mắt đỏ, bệnh nhân nên đến khám tại các cơ sở khám chữa mắt để có được sự chẩn đoán và phương pháp điều trị hợp lý từ phía các bác sỹ chuyên khoa. Bác sỹ sẽ có những đơn thuốc phù hợp với từng đối tượng, từng giai đoạn phát triển của bệnh và việc nên dùng thuốc như thế nào, liều lượng bao nhiêu... Một số trường hợp bệnh nhân tự mua thuốc về nhỏ gây ra những biến chứng nguy hiểm.
Trường hợp bị lây do tiếp xúc với bệnh nhân bị đau mắt đỏ mà chưa có điều kiện đi khám thì có thể tạm thời xử lý bằng cách sát khuẩn thông thường với nước muối sinh lý, loại tra mắt 9/1000. Cũng có thể kết hợp sử dụng một số loại thuốc kháng sinh nhẹ, sẵn có. Tuy nhiên, bác sỹ Đông nhấn mạnh "chúng tôi không khuyến cáo dùng kháng sinh mà cần phải đến khám bác sỹ để đảm bảo việc điều trị được an toàn và kịp thời". Chị Ngô Thị Loan trú tại Láng Thượng, Cầu Giấy cho biết, chị bị đau mắt trong thời gian mà dịch đau mắt đang lan mạnh. Vậy nên ngay khi thấy các triệu chứng chị đã đi khám và nhận được hướng dẫn điều trị cụ thể của bác sỹ; một tuần sau chị thấy khỏi hẳn.
 Đau mắt đỏ là bệnh lành tính, nếu được điều trị kịp thời, đúng cách sẽ không để lại biến chứng cho mắt, bệnh nhân sẽ khỏi trong khoảng từ 7 - 15 ngày. Ngược lại, nếu để chậm sẽ gây loét, xước giác mạc khiến người bệnh rất khó chịu, dẫn đến viêm giác mạc, làm chói mắt, nhìn mờ. Triệu chứng này sẽ có thể tồn tại rất lâu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới mắt.
Theo đánh giá của các bác sỹ, có khoảng 20% bệnh nhân bị các biến chứng như khô mắt, viêm giác mạc, loét giác mạc, viêm màng bồ đào thường biểu hiện bắt đầu bằng nhìn mờ. Theo TS Phạm Văn Tần, Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện Mắt Trung ương, bệnh nhân bị biến chứng glocom có thể gây nguy hiểm cho thần kinh thị giác dẫn đến mất thị lực và bị mù vĩnh viễn. Vì thế, nếu có những triệu chứng của bệnh đau mắt đỏ cần đi khám bác sỹ chuyên khoa ngay.
Các bác sỹ cũng khuyến cáo bệnh nhân không nên tự điều trị bằng cách như xông mắt bằng lá trầu không, bạc hà hay các loại lá có tinh dầu vì chúng không những không có tác dụng mà còn khiến bệnh nặng thêm do mắt đang bị viêm sưng và có thể dẫn đến biến chứng. Ngoài ra, cũng không nên tự ý nhỏ cortisol quá sớm khi chưa có chỉ định của bác sỹ. Thuốc này có thể làm bệnh nặng lên, dai dẳng, hoặc gây ra các biến chứng, thậm chí dẫn đến mù lòa.
Phòng bệnh kịp thời, hiệu quả
Cả hai đối tượng là người bị đau mắt đỏ và người chưa bị đều phải có ý thức phòng bệnh. Để phòng bệnh đau mắt đỏ, cần phải biết giữ gìn vệ sinh đôi mắt. Khi đi đường bụi phải đeo kính. Khi tiếp xúc với môi trường bụi bặm, hóa chất, nước hồ bơi, dùng nước muối sinh lý để rửa mắt... Đối với người bị bệnh thì phải có ý thức phòng tránh lây nhiễm cho người khác như: dùng riêng khăn và chậu rửa mặt, đeo kính và đeo khẩu trang, hạn chế đến những nơi đông người khi không cần thiết. Đặc biệt, đối với trẻ em, đây là đối tượng rất hiếu động chưa có ý thức trong việc phòng tránh, vậy nên cho trẻ nghỉ học để tránh lây nhiễm cho những trẻ khác là cần thiết.
Người bệnh có thể giảm đỡ cảm giác ngứa, cộm bằng cách chườm gạc lạnh nhiều lần trong ngày. Người bị đau mắt cần tránh dùng thực phẩm kích thích có vị nóng như hành, tỏi, ớt, thịt chó; các chất tanh như tôm, cua, cá; tránh rượu bia vì đồ uống có cồn có thể gây kích ứng cho mắt.
(Theo www.khoahocphattrien.com.vn)                     

Tìm kiếm

Tìm

Quảng cáo