Tin KHCN Hải Dương

Hải Phòng phòng chống hiện tượng nhiễm mặn khu vực ven biển

18/07/2014

Với sự hỗ trợ của ngân sách KH&CN thành phố, Viện Khoa học Vật liệu (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) vừa tiến hành “Đánh giá hiện trạng nhiễm mặn và nghiên cứu khả năng khai thác các nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực ven biển thành phố Hải Phòng”. Đây là tên đề tài nghiên cứu khoa học do TS Phan Văn Trường làm chủ nhiệm.

 

Hải Phòng phòng chống hiện tượng nhiễm mặn ven biển

Theo đó, hiện nay, tại Hải Phòng, nhu cầu về nước cấp cho công nghiệp, sinh hoạt và các mục đích khác không ngừng tăng lên trong khi khu vực ven biển của thành phố còn chịu thêm áp lực về nhiễm mặn, đặc biệt đối với các tầng nước ngầm và vùng cửa sông ven biển. Theo các tài liệu quan trắc chất lượng nước vùng ven biển thì lưỡi mặn đang ngày càng tiến sâu vào phía đất liền trên diện rộng, làm giảm đáng kể trữ lượng nguồn nước, nhiều nơi phải lấy nước từ địa bàn khác.
Trên các sông, vào mùa khô, hầu hết nước cửa sông ven biển đều bị nhiễm mặn, biên mặn 1‰ đã tiến sâu vào đất liền 40km (sông Kinh Thầy), 28km (sông Cấm), 32km (sông Lạch Tray), 35km (sông Đá Bạch), 40km (sông Thái Bình) và 28km (sông Văn Úc).
Nhóm nghiên cứu đã đề xuất các giải pháp kỹ thuật công nghệ, giải pháp bảo vệ, phòng chống suy thoái nguồn nước, giải pháp điều tra, quản lý nhằm sử dụng hợp lý và bảo vệ tài nguyên nước khu vực ven biển Hải Phòng. Theo đó, có thể xây dựng hệ thống thủy lợi đề điều tiết ngăn chặn xâm nhập mặn; Xây dựng hệ thống đập tràn, hệ thống đê bao chống triều cường và gió bão cấp 7, cấp 8 bảo vệ cho vùng nuôi trồng thủy sản, xây dựng hồ sinh thái nước nhạt…
Bên cạnh đó, cần có các giải pháp quản lý như có chế tài xử phạt đối với những tổ chức, cá nhân khai thác nước trái phép, giám sát việc khoan khai thác nước dưới đất. Đối với khu vực nước nhạt ven biển, khi khai thác phải đặc biệt chú ý đến chế độ khai thác sao cho hợp lý, tránh tình trạng xâm nhập mặn.
Cần đặc biệt chú ý đến việc quy hoạch, phát triển rừng ngập mặn và đất ngập nước. Trên đó có thể khai thác và nuôi trồng thủy sản, phát triển nông lâm nghiệp, phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học và xây dựng khi bảo vệ đất ngập nước…

Nguồn: Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng

Tìm kiếm

Tìm

Quảng cáo