Tin KHCN Hải Dương

Huyện Kiến Thụy tập trung hoàn thiện mô hình lò đốt rác thải sinh hoạt

25/08/2014
Lò đốt rác thải sinh hoạt theo công nghệ BD-ANPHA là sản phẩm của các nhà nghiên cứu của Đại học Bách khoa Hà Nội và Công ty TNHH Đức Minh. Lò có cơ chế vận hành trên cơ sở đối lưu tự nhiên, không cần sử dụng đến dầu hoặc điện để làm nhiên liệu đốt. Cấu tạo lò đốt bao gồm các môđun hợp thành rất tiện lợi cho việc xây dựng và lắp đặt. Trong đó môđun chính là phần thân lò bao gồm buồng đốt sơ cấp, thứ cấp và buồng tách bụi, các môđun còn lại đều áp dụng khoa học công nghệ và vật liệu tốt nhất để đảm bảo độ bền và các chỉ tiêu chất lượng khí thải.
Kiến Thụy tập trung hoàn thiện mô hình lò đốt rác thải sinh hoạt
Đồng chí Nguyễn Văn Thành kiểm tra mô hình xử lý rác thải tại xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy.

Loại lò này có ưu điểm nổi bật là: tiết kiệm diện tích, quy trình lắp đặt nhanh, vận hành đơn giản, dễ bảo trì sửa chữa và giá thành chỉ bằng 50% các sản phẩm nhập ngoại có cùng công suất... Vì thế, lò đốt chất thải rắn BD–ANPHA có thể được sản xuất và lắp đặt với những quy mô khác nhau theo yêu cầu sử dụng, để xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại các khu vực thành thị, nông thôn, miền núi, hải đảo và cả các loại rác thải công nghiệp, đem lại hiệu quả kinh tế và môi trường bền vững.

Từ tháng 9/2013, huyện Kiến Thụy đã đầu tư xây dựng thí điểm lò đốt rác sinh hoạt theo công nghệ BD-ANPHA tại 2 xã Đại Hợp và Đoàn Xá. Công trình gồm 5 phân khu chức năng: nhà đặt lò đốt rác, sân phơi có mái che, bể lọc xử lý nước thải, nhà làm việc, khu vực chôn lấp tro xỉ và hồ điều hòa. Tháng 1/2014, huyện đưa lò đốt rác vào hoạt động với công suất 4 tấn/ngày, góp phần giải quyết tình trạng rác tồn đọng tại 2 xã Đại Hợp, Đoàn Xá. Dự kiến, công trình hoàn thiện sẽ xử lý rác của 4 xã Đoàn Xá, Đại Hợp, Tân Phong và Đại Hà với công suất 7,5 tấn/ngày.

Tại buổi khảo sát thực tế mô hình lò đốt rác sinh hoạt theo công nghệ BD-ANPHA tại huyện Kiến Thụy sáng 20/8, đồng chí Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Thành đánh giá, đây là mô hình tốt, tiết kiệm diện tích đất, giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường, giảm chi phí đầu tư. Tuy nhiên, việc triển khai mô hình hiện nay còn gặp phải một số hạn chế như: quy trình thu gom, xử lý rác thải chưa chuẩn; chưa thực hiện phân loại rác đầu nguồn; cơ cấu tổ chức bộ máy vận hành, quản lý chưa đồng bộ; thiếu quy hoạch, quy chế quản lý…

Thời gian tới, huyện Kiến Thụy tiếp tục tập trung hoàn thiện công trình, tính toán và xây dựng mô hình quản lý hợp lý. Huyện Kiến Thụy cũng đã kiến nghị thành phố hỗ trợ kinh phí lắp đặt bổ sung hệ thống sấy rác đồng bộ với lò đốt công nghệ BD-ANPHA; bổ sung ngân sách để bảo đảm kinh phí hoạt động lò đốt rác, chế độ cho người lao động...

Nguồn: Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng

Tìm kiếm

Tìm

Quảng cáo