Thương mại điện tử

Xóa bỏ rào cản để phát triển thương mại điện tử

29/04/2013

TMĐT thực sự đã đi vào đời sống của cá nhân và chiến lược kinh doanh, trở thành một công cụ quan trọng không thể thiếu đối với doanh nghiệp. Những vi phạm liên quan đến các thông tin cá nhân ngày một nhiều hơn gây tâm lý e ngại cho các cá nhân, tổ chức khi tham gia giao dịch thương mại điện tử (TMĐT), là một trong những rào cản đối với sự phát triển TMĐT ở Việt Nam…

Công cụ quan trọng của doanh nghiệp
Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục TMĐT và Công nghệ thông tin (CNTT) - Bộ Công Thương cho biết: Hiện nay, TMĐT thực sự đã đi vào đời sống của cá nhân và chiến lược kinh doanh, trở thành một công cụ quan trọng không thể thiếu đối với doanh nghiệp. Không những thế, trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, TMĐT và CNTT càng thể hiện vai trò then chốt giúp doanh nghiệp rất nhiều trong lĩnh vực kinh doanh.
Ông Đỗ Văn Chiến, Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết: Mặc dù giao dịch TMĐT và CNTT của doanh nghiệp ngày càng tăng mạnh, khối lượng thông tin trao đổi ngày càng nhiều nhưng cũng có không ít những vi phạm liên quan đến các thông tin cá nhân. Kết quả điều tra cho thấy vấn đề bảo mật, an toàn thông tin trong đó bao gồm cả thông tin cá nhân luôn được các doanh nghiệp đánh giá là một trong những rào cản lớn nhất đối với sự phát triển TMĐT ở Việt Nam.
Thời gian qua, Cục đã phối hợp với các Sở Công Thương, các trường đại học, các nhà cung cấp dịch vụ và cộng đồng doanh nghiệp triển khai nhiều hoạt động nhằm cụ thể hóa các mục tiêu đã đề ra. Chính vì vậy, TMĐT đã trở thành một công cụ quan trọng, không thể thiếu đối với doanh nghiệp và ngày càng trở nên phổ biến với từng cá nhân, nhất là giới trẻ. Không những thế, để đẩy mạnh vai trò hỗ trợ của CNTT, các doanh nghiệp trên thế giới ngày càng quan tâm tới việc xây dựng kiến trúc doanh nghiệp. Đây là một bức tranh kiến trúc đa chiều thể hiện các bộ phận cấu thành nên doanh nghiệp và mối quan hệ giữa các bộ phận. Đáng chú ý, kiến trúc doanh nghiệp đặc tả mối quan hệ giữa kiến trúc của CNTT và kiến trúc của hệ thống nghiệp vụ; mô tả cách thức hai kiến trúc này tương hợp với nhau để hệ thống CNTT hỗ trợ một cách hiệu quả cho hệ thống nghiệp vụ. Cùng đó, hệ thống sẽ kết nối các bộ phận khác nhau, cho phép giao tiếp, cộng tác, chia sẻ trong doanh nghiệp và tạo ra giá trị lớn hơn từ việc đầu tư ứng dụng cho CNTT.

Sẽ có nghị định mới về TMĐT
Qua khảo sát, nhiều doanh nghiệp đặc biệt quan tâm đến kế hoạch quảng bá rộng rãi hiệu quả của sàn TMĐT trong nước ra thế giới và mức phí của doanh nghiệp khi tham gia giao dịch trên sàn. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng lo ngại vì chưa có thói quen kinh doanh trên sàn TMĐT nên không biết nguồn dữ liệu khách hàng của sàn có đáng tin cậy hay không và làm thế nào để kiểm chứng và thẩm định các khách hàng là đối tác nước ngoài… Vì vậy, mục đích của sàn TMĐT là cung cấp các điều kiện về kỹ thuật, công nghệ và dịch vụ hỗ trợ kết nối, giao dịch thương mại cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh trên toàn quốc. Do đó, sự ra đời của sàn TMĐT - Bộ Công Thương đã giúp các doanh nghiệp có được những hỗ trợ tốt nhất trong các quy trình xuất nhập khẩu và thương mại hóa quốc tế nói chung.
Theo ông Linh, hiện nay, Cục TMĐT và CNTT đang tập trung chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng Nghị định TMĐT điện tử mới và tổ chức tốt việc thực thi các văn bản pháp luật về TMĐT đã ban hành. Bên cạnh đó, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương đẩy nhanh quá trình triển khai kế hoạch TMĐT đã được phê duyệt. Mặt khác, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về TMĐT trên các phương tiện truyền thông, tập huấn về TMĐT cho cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt, Cục còn xây dựng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng TMĐT cụ thể, từ đó đưa các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng TMĐT nhanh hơn.
Cục cũng phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy nhanh việc cung cấp trực tuyến các dịch vụ công của Bộ và nâng cao chất lượng hoạt động của các Cổng thông tin hỗ trợ xuất khẩu; tổ chức các lớp tập huấn về TMĐT cho đội ngũ nhân viên doanh nghiệp và đội ngũ cán bộ các cơ quan quản lý nhà nước; Xây dựng quy chế quản lý tên miền internet quốc tế, tên miền quốc gia Việt Nam ".vn" của các tổ chức, cá nhân. Riêng trong năm 2013, Cục sẽ đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đào tạo về TMĐT cho cán bộ, công chức sở, ngành, lực lượng quản lý thị trường...
Theo Cục TMĐT, bản thân các doanh nghiệp cũng cần có các biện pháp đảm bảo chất lượng hàng hóa, dịch vụ của người bán và tạo lập niềm tin của người mua tham gia giao dịch TMĐT. Đây là biện pháp quan trọng để đảm bảo sự phát triển của TMĐT ngày càng mạnh mẽ và bền vững.

Theo: Báo Công lý

Tìm kiếm

Tìm

Quảng cáo